Các loại chất liệu chống dính phổ biến hiện nay. Chất liệu chảo chống dính nào tốt?
- Người viết: Hải Nguyên lúc
- Tư vấn sử dụng
Chảo chống dính là vật dụng phổ biến trong bếp của mỗi gia đình. Tuy nhiên, với sự đa dạng của các loại chất liệu phủ chống dính trên thị trường khiến việc lựa chọn loại chảo phù hợp với gia đình mình trở nên khó khăn với các bạn. Cùng Korkmaz Vietnam tìm hiểu các loại chất liệu chống dính phổ biến hiện nay và chất liệu chống dính nào tốt ngay nhé!
1. Chất liệu Teflon (Polytetrafluoroethylene hoặc PTFE)
Teflon là chất liệu đầu tiên được sử dụng để sản xuất các chiếc chảo chống dính. Hợp chất này còn được gọi là Polytetrafluoroethylene (PTFE), được tạo ra từ các nguyên tố C và F, với liên kết hoá học vô cùng chặt chẽ nên có khả năng chống dính đặc biệt, khiến Teflon trở thành một trong những chất liệu chống dính phổ biến nhất trên thị trường.
Một số tài liệu nghiên cứu chỉ ra khi được nấu ở nhiệt độ cao khoảng 300-400 độ C, Teflon có thể phân hủy và phát sinh chất khí độc gây hại cho sức khỏe. Thông thường nhiệt độ nấu ăn chỉ dao động ở khoảng 130-190 độ C.
Nhiều người cho rằng chất chống dính Teflon có thể gây hại cho người sử dụng, nhưng thực tế thì phần gây hại cho người dùng chính là keo dính giữa Teflon và kim loại. Các tài liệu nghiên cứu mới nhất cho thấy nếu sử dụng chảo chống dính Teflon đúng cách, chúng hoàn toàn an toàn cho sức khỏe. Theo giáo sư Phạm Văn Khôi của Viện Hóa học Việt Nam, cơ thể con người khó hấp thụ hợp chất trong Teflon. Chúng sẽ được đào thải ra ngoài trong quá trình tiêu hoá nên người sử dụng cần tuân thủ các quy tắc sử dụng để bảo vệ bề mặt Teflon, nên thay thế chảo nếu bề mặt đã bị trầy xước, bong tróc.
Ưu điểm
- Bề mặt chống dính tốt giúp cho việc nấu nướng và vệ sinh dễ dàng.
- Chống lại các chất hóa học và có hệ số ma sát thấp.
- Không phản ứng với các loại thực phẩm axit hoặc kiềm.
Nhược điểm
- Có thể phát ra khí độc ở nhiệt độ cao (khi nấu trên 260 độ C), có thể gây hại cho các con chim và gây triệu chứng giống như cúm ở con người (được biết đến với tên gọi "cúm Teflon").
- Dễ bị trầy xước, gây ra lớp phủ chống dính bong tróc hoặc bong ra.
- Không phù hợp cho nấu nướng ở nhiệt độ cao, chẳng hạn như rang hoặc nướng.
2. Chất liệu Ceramic (Ceramica)
Chất chống dính Ceramica là sản phẩm của hãng Cuisinart, đây là 1 loại gốm không dính được sử dụng lần đầu tiên cho dòng chảo GreenGourmet, sau đó được mở rộng và ứng dụng cho nhiều dụng cụ nấu nướng khác nhau như nồi, chảo chống dính, lòng nồi cơm điện, lòng nồi áp suất,...
Chất chống dính Ceramica được làm từ 100% các khoáng chất vô cơ khác nhau và các oxit, có công dụng chống xước, chịu được nhiệt độ lên tới 450 độ C, khó phân hủy, không phản ứng với thức ăn, khả năng chống dính tốt, không chứa các kim loại, cadmium và chì.
So với chảo chống dính truyền thống từ những năm 1960, chảo Ceramic có bề mặt được phủ men gốm không độc hại. Bên cạnh đó, chảo Ceramic còn giữ được nhiệt tốt hơn so với các loại chảo khác, khả năng phân phối nhiệt đều hơn, các nguyên liệu nấu chín đều và trở nên thơm ngon hơn.
Ưu điểm
- Không độc hại.
- Bền và kháng trầy xước tốt hơn chảo truyền thống.
- Có thể chịu được nhiệt độ cao.
Nhược điểm
- Giá thành cao hơn so với các chảo sử dụng lớp phủ Teflon.
- Một số lớp phủ Ceramic có thể không đảm bảo an toàn khi rửa bằng máy rửa chén.
- Hiệu quả chống dính không cao như chảo phủ lớp Teflon.
3. Chất liệu Granite (chảo đá)
Granite là một loại đá tự nhiên với chiết suất mịn và màu sắc đa dạng, granite được sử dụng như một vật liệu phủ chống dính cho nồi và chảo. Các nhà sản xuất sử dụng công nghệ tiên tiến để xay nhỏ thành bột mịn rồi trộn với một chất kết dính đặc biệt trước khi được đun nóng để tạo thành một bề mặt cứng chắc.
Các lớp phủ granite không chỉ đáp ứng yêu cầu về độ bền, mà còn tạo ra một vẻ đẹp sang trọng và độc đáo cho các loại chảo. Đặc biệt, chảo còn có khả năng kháng khuẩn rất tốt.
Chất chống dính Granite không chứa PTFE/ PFOA, nấu ăn ít tốn dầu, thậm chí không cần thêm dầu khi chiên xào.
Ưu điểm
- Vô cùng bền và kháng trầy xước.
- Có thể chịu được nhiệt độ cao.
- Không độc hại vì làm từ các thành phần tự nhiên.
- Kháng khuẩn tốt.
Nhược điểm
- Trọng lượng chảo nặng hơn các chất liệu chống dính khác.
- Không hiệu quả như Teflon trong việc chống dính.
- Yêu cầu vệ sinh cẩn thận để tránh gây hại cho bề mặt.
4. Chất liệu Greblon
Chất chống dính Greblon được tạo thành từ các phân tử PTFE, chúng có khả năng chống chịu tốt trong môi trường kiềm, axit, dầu, dung môi hữu cơ, chịu được nhiệt độ đến 440 độ C, ma sát thấp, không chứa chất PFOA, APEO, có tính chống dính cao.
Chất chống dính Greblon đã được đạt tiêu chuẩn LFGB của Đức và được các nước tại EU chấp nhận về độ an toàn khi tiếp xúc với thực phẩm trong quá trình nấu ăn.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, bạn chỉ nên nấu thức ăn ở mức nhiệt không quá 230 độ C, từ mức nhiệt 230 - 250 độ C chỉ đun nấu trong 15 - 20 phút để đảm bảo an toàn cho sức khỏe bạn.
Ưu điểm
- Không độc hại.
- Vô cùng bền và kháng trầy xước.
Nhược điểm
- Không hiệu quả như Teflon trong việc chống dính.
- Chảo bằng chất liệu Greblon thường đắt hơn so với chảo Teflon.
5. Chất liệu Whitford
Whitford là tên của một nhà sản xuất sơn phủ chống dính cao cấp và cũng chính nhà sản xuất tạo nên chất liệu Whitford trên chảo chống dính. Chất chống dính Whitford có thành phần PTFE, phân hủy ở nhiệt độ trên 440 độ C, không chứa các chất PFOA, APEO gây hại cho sức khỏe. Ngoài ra, chúng có độ chống dính khá cao, khả năng chống chịu tốt với môi trường axit, kiềm, dung môi hữu cơ, dầu.
Whitford đã được FDA Hoa Kỳ chứng nhận là an toàn, thân thiện với môi trường và được nhiều nước chấp nhận như các nước Châu Âu, Nhật, Trung Quốc…
Ưu điểm
- Độ bền cao và kháng trầy xước.
- Khả năng chống dính tốt.
Nhược điểm
- Giá thường đắt hơn các loại chảo khác.
- Cần vệ sinh cẩn thận để tránh gây hại cho bề mặt.
6. Chất liệu Dyflon
Dyflon của hãng Dyflon được làm từ một loại chất được tổng hợp từ các khoáng vô cơ tương tự như gốm, có tính chất và ứng dụng tương tự như các chất liệu chống dính khác, bao gồm khả năng chống dính cao, chịu nhiệt tốt và không gây hại cho sức khỏe người sử dụng.
Điểm đặc biệt có hệ số ma sát thấp, bề mặt của chảo bóng hơn các chất liệu khác nên giúp cho việc nấu nướng và vệ sinh dễ dàng hơn. Lớp chống dính này có thể chống chịu với các tác nhân gây ăn mòn,chịu nhiệt độ lên đến 450 độ C, không tạo ra các hợp chất gây hại cho sức khỏe của người sử dụng.
Ưu điểm
- Rất bền và kháng trầy xước.
- Có thể chịu được nhiệt độ cao.
Nhược điểm
- Thường đắt hơn so với chảo phủ Teflon.
7. Chất liệu Maifan
Chất chống dính Maifan được làm từ một loại đá khoáng tự nhiên chứa rất nhiều chất khoáng có nguồn gốc từ Trung Quốc, ngoài Germanium ra, Maifan còn chứa hơn 45 khoáng chất khác cần thiết cho cơ thể.
Lớp chống dính này có khả năng hút và phân giải các chất độc hại và tăng cường trao đổi ion, đặc biệt không chứa các thành phần gây hại tới sức khỏe của người sử dụng.
Bề mặt của đá Maifan rất cứng và độ bền cao, đặc biệt là khả năng chống trầy vật lý tốt, giúp người dùng hạn chế tình trạng cháy khét thức ăn.
Ưu điểm
- Rất bền và cứng cao.
- Có thể chịu được nhiệt độ cao.
Nhược điểm
- Thường đắt hơn so với chảo phủ các vật liệu khác.
Việc lựa chọn chất liệu chống dính cho chảo phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng của từng người dùng và mục đích sử dụng thường ngày của bạn.
Ví dụ, nếu bạn thường xuyên nấu ăn và sử dụng chảo với tần suất cao, thì chất liệu chống dính có độ bền và khả năng chống trầy xước tốt sẽ là sự lựa chọn phù hợp. Trong khi đó, nếu bạn chỉ sử dụng chảo cho các món ăn đơn giản hoặc chỉ khi có thời gian, thì chất liệu chống dính thông thường vẫn có thể đáp ứng được nhu cầu của bạn.
Việc lựa chọn chất liệu chảo chống dính nào tốt phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng của từng người dùng. Mỗi loại chất liệu đều có những ưu và nhược điểm riêng. Nếu bạn đang tìm kiếm một chiếc chảo mới cho căn bếp của mình, hãy cân nhắc kỹ các yếu tố trên để đưa ra quyết định phù hợp nhất cho nhu cầu của mình nhé.